Giám Đốc Điều Hành Umbrella Fashion
DOAN QUYNH NHI
( Bài báo này được trích từ Báo Nữ Doanh Nhân_Tháng 9/2012)
KINH DOANH VÌ QUÁ CẦU TOÀN
Nếu nói gì về Đoàn Quỳnh Nhi, Giám đốc điều hành Umbrella Fashion, đó sẽ là câu chuyện về người phụ nữ cầu toàn, đã đi một con đường rất dài để đến với đam mê làm thời trang bằng cái đầu của doanh nhân và cái tâm của nhà thiết kế.
Đến Umbrella Fashion theo lịch hẹn phỏng vấn cùng Đoàn Quỳnh Nhi, tôi không khỏi có chút thất vọng trước những gì đập vào mắt mình. Ngay tại lầu một, nơi mỗi người khách tìm tới công ty ắt phải bước vào, là những chiếc bàn làm việc trống trơn, nhìn khá đơn giản. Lát sau, tôi kịp thấy thêm một nhóm thợ đang lục đục sữa chữa trong gian phòng ngay cạnh hành lanh dẫn thẳng vào phòng làm việc của chị. Những chi tiết nho nhỏ ấy khiến tôi hoài nghi: Một môi trường làm việc như vậy lại có thể làm nên ... nghiệp lớn? Nó rất khác với ấn tượng về một thương hiệu thời trang sang trọng, độc đáo, quyến rũ và khá được yêu mến mà mấy cô bạn mê shopping từng miêu tả với tôi.
Những suy nghĩ xáo trộn chỉ lắng lại khi tôi nhìn thấy Quỳnh Nhi trong văn phòng làm việc giản dị của chị. Nữ chủ nhân thương hiệu Umbrella Fashion tiếp tôi với vẻ niềm nở song phong thái vẫn có chút gì đó nghiêm trang, mơ hồ cho thấy một cá tính mạnh mẽ, sắc bén. Quỳnh Nhi yêu cầu kíp thợ tạm dừng công việc tránh để tiếng ồn làm đứt mạch câu chuyện rồi quay lại với tôi bằng một lời giải thích cho hiện trạng bề bộn nơi đây. Hóa ra, công ty vừa chuyển tới địa chỉ mới được hai ngày. Lý do "xê dịch" cũng rất đáng mừng : Umbrella Fashion đang mở rộng phát triển.
NGƯỜI PHỤ NỮ CẦU TOÀN.
"Tôi học về kinh tế, thích vẽ tranh và rất thích thời trang", chị bắt đầu câu chuyện của mình "Thời trang là thứ tôi đã ấp ủ từ lâu. Ban đầu, tôi dự định coi thời trang là nghề tay trái. Nghĩa là tôi chỉ kinh doanh, các mẫu thiết kế sẽ nhờ người khác gia công. Thế nhưng, khi thử tay nghề của họ, tôi thấy... không đạt, lại rất khó khăn khi muốn chỉnh sữa sản phẩm theo đúng ý mình. Từ đó, phát sinh ra việc tôi cần có xưởng riêng. Tìm mặt bằng cũng vậy! Tôi chỉ muốn một địa điểm thường thường bậc trung, song trong lúc đi tìm lại nghĩ: Ồ, mình hướng tới đối tượng có thu nhập nên mặt bằng phải sang trọng chút xíu, bề thế chút xíu. Cứ thế, mọi chuyện đưa đẩy... ".
"Đó có phải vì chị là người quá cầu toàn không?", tôi nói ngay kết luận thu được từ câu chuyện giản dị của Quỳnh Nhi. Chị gật đầu vui vẻ:"Tôi đang học cách bớt cầu toàn một chút, học cả cách giao việc cho người khác. Nếu là trước kia, việc gì tôi cũng muốn vơ vào làm hết". Một ý nghĩ nào đó thoáng qua tâm trí, Quỳnh Nhi chợt bảo : "Thật tâm mà nói, ngành thiết kế và kinh doanh thời trang này, nếu bạn không chi tiết về tài chính, không có sự cẩn thận sẽ rất khó khăn. Bạn phải đam mê, phải yêu nghề mới theo được. Còn lợi nhuận, nó không phải là tiêu chí để tôi làm. Chuyển qua lĩnh vực này, tôi đã biết rằng mình sẽ phải đầu tư mất vài năm. Khi mọi thứ được xây dựng và vận hành đúng cách, đó mới là lúc mình được... gặt hái ".
"Chị có nhớ thời gian khai trương cửa hàng đầu tiên?" , tôi đặt câu hỏi khác. "Ồ!", chị như reo lên, "Tôi có mặt từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm, là người đầu tiên mở cửa hàng và người cuối cùng ra về. Tôi luôn luôn ở đó để tiếp xúc với khách hàng, xem phản hồi của họ, cũng như xem cách nhân viên tiếp đón ra sao còn uốn nắn kịp thời. Công ty chuyển tới địa điểm mới, tôi có những quản lý lo phần việc ở cửa hàng đó thay mình, nhưng vẫn chưa an tâm. Như đã nói, tôi đang học giao việc nên hiện tại chưa thể an tâm 100%".
"Điều này đi ngược với tính cầu toàn trong chị", tôi nói thầm nghĩ nếu có phép màu, người phụ nữ trước mặt mình ắt sẽ tự phân thân thành cả trăm phiên bản. Quỳnh Nhi cười : "Đúng vậy! Tuy nhiên, phải thay đổi theo nhu cầu phát triển thôi, vì làm vậy mình cũng không thể xử lý hết được. Cái gì cũng có hai mặt của nó. Cho nên, cứ lo lắng, cứ giao việc và cứ đứng sau hỗ trợ".
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU NHƯ TRỒNG CÂY.
Chúng tôi xoay qua một chủ đề, về cách Umbrella Fashion định vị thương hiệu của mình chỉ trong một thời gian khá ngắn. Quỳnh Nhi giải thích: "Tôi đã lập kế hoạch định vị thương hiệu ngay từ đầu. Mình có logo và cái tên như thế nào, website ra sao. Nói chung, tất cả các chi tiết nhỏ nhất cũng phải hướng đến định vị thương hiệu. Tuy nhiên, những điều đó chưa thật sự quan trọng, nó chỉ là... phần cứng. Để khẳng định được sản phẩm đẹp. Thứ hai, bạn phải cam kết về chất lượng dịch vụ khách hàng tốt nhất, nhân viên phải được huấn luyện một cách bài bản, phục vụ khách hàng tốt nhất. Có rất nhiều yếu tố để xây dựng thương hiệu, nhưng tôi nghĩ đây mới là "phần mềm", là cái để mình đi sâu vào người tiêu dùng và tồn tại lâu dài".
Quỳnh Nhi so sánh chiến lược xây dựng công ty mình như việc trồng một cây non, "Muốn khẳng định thương hiệu , bạn cần phát triển và mở rộng hơn'', chị nói, "Tuy nhiên, ngay ở quy mô nhỏ, mọi thứ đã phải được hoàn thiện từ đầu. Sau đó, bạn nhân dần sự hoàn thiện đó lên. Nó giống như một cái cây, khi trồng xuống đất là phải có đủ rễ, lá... ". Chị chọn cho Umbrella Fashion lộ trình phát triển chậm rãi nhưng vững chắc. Hai năm đầu tiên, chị tập trung phát triển cửa hàng thứ nhất, sau đó là những địa chỉ khác và chuẩn bị mở dự án kinh doanh online hướng đến thị trường ngoài nước.
Khuôn mặt Quỳnh Nhi rạng ngời rạnh phúc khi tâm sự rằng chị được ông xã giúp đỡ rất nhiều trong việc lập kế hoạch kinh doanh online. Chị hi vọng một ngày gần đây, anh có thể gánh vác một phần việc điều hành công ty, giúp chị có nhiều thời gian dành cho thiết kế. Chị mê vẽ và thiết kế thời trang. Tuy nhiên, chị còn là giám đốc, bận rộn với đủ chuyện kinh doanh, sản xuất và quản lý nhân viên. Chị thẳng thắng nói : "Trong quản lý luôn có sự xung đột, đối chọi nhau nên khá căng thẳng. Những lúc như vậy, tôi rất khó để ngay lập tức quay lại với việc thiết kế. Khi đó, nhìn cái gì cũng thấy xấu hết. Cũng vì vậy, đa số thời gian cuối tuần, buổi tối hoặc đêm khuya, tôi dành cho thiết kế ". Điều Quỳnh Nhi tâm đắc trong vai trò doanh nhân kiêm nhà thiết kế thời trang là sự dung hoà giữa hai yếu tố dường như trái ngược đó. "Tôi làm thời trang bằng cái đầu của người kinh doanh và cái tâm của người thiết kế", chị nói, "Nếu bạn làm nghệ sỹ luôn luôn bay bổng, bạn khó làm kinh doanh. Nếu bạn làm kinh doanh mà chỉ một mực nghĩ đến lợi nhuận, bạn khó tạo nên những thiết kế đẹp".
"Nếu bạn làm nghệ sỹ luôn luôn bay bổng, bạn khó làm kinh doanh. Nếu bạn làm kinh doanh mà chỉ một mực nghĩ đến lợi nhuận, bạn khó tạo nên những thiết kế đẹp"
SỰ KHÁC BIÊT GIỮA XE HƠI VÀ THỜI TRANG.
"Tôi trải qua bước ngoặt lớn trong cuộc sống", Quỳnh Nhi chia sẻ. "Lần đầu tiên, công việc kinh doanh của ba mẹ gặp chuyện không may, tôi phải bươn chải vì cuộc sống từ khá sớm. Mười tám tuổi, tôi đã đi làm trong lĩnh vực xe hơi, được dạy cho nhiều kinh nghiệm sống, đối nhân xử thế. Ngã rẽ thứ hai, sau bốn năm làm việc tại môi trường cạnh tranh đó, tôi quyết định trở lại trường đại học. Và thứ ba là đám cưới với ông xã vào tháng ba vừa rồi, bước ngoặt rất lớn trong cuộc sống".
Vì sự trầm lắng trong giọng nói của Quỳnh Nhi, tôi có chút e ngại câu hỏi tiếp theo sẽ chạm vào phần ký ức nhạy cảm chị muốn giữ riêng. Công việc kinh doanh nhiều thăng trầm của ba mẹ ảnh hưởng lớn tới Quỳnh Nhi. Nó cũng cho thấy doanh nhân nào cũng có nguy cơ thất bại. Thật may, chị trả lời rất thoải mái: "Nhiều khi, tôi nghĩ lại và thấy cảm ơn điều đó. Bởi nhờ nó, tôi mới bươn chải, học hỏi được kinh nghiệm sống để vận dụng cho tới bây giờ. Kinh doanh, đương nhiên có nhiều khó khăn, nhưng tôi cảm thấy mình vượt qua nó dễ dàng. Kinh nghiệm là thứ bạn phải trải qua rồi mới có, khi đã trải qua bạn sẽ không còn sợ nó nữa".
"Những trải nghiệm khi làm trong lĩnh vực xe hơi có khác biệt so với công việc hiện tại?" tôi tò mò hỏi. "Có rất nhiều khác biệt" , chị đáp. "Lúc trước, tôi là người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, thương thảo một sản phẩm rất lớn. Điều cần làm là cố gắng thuyết phục để bán được sản phẩm đó. Còn với cương vị hiện tại, tôi phải toàn diện hơn. Tôi không chỉ thuyết phục một người mà là số đông, trong khi sản phẩm nhỏ đi". Nói tới đây, Quỳnh Nhi bật cười, thật lớn và thật sảng khoái.
Viết bình luận
Bình luận